image advertisement
anh tin bai
anh tin bai



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
‘Nhạc viện’ làng Mỹ Hưng
Lượt xem: 3112
(baomoi.com)

Chiếc đàn gia bảo

Vừa đặt chân đến đầu làng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước những giai điệu du dương, trầm bổng phát ra từ "nhạc viện" - ngôi nhà nhỏ, cấp bốn của ông Học giữa những rặng tre xanh bát ngát. Vào bên trong "nhạc viện" ấy, không khí còn vui hơn bởi từng nhóm học sinh với đủ lứa tuổi đang miệt mài tập đánh đàn tranh, đàn nguyệt, đàn ghita, đàn tam thập lục…và ngân nga những khúc nhạc đồng quê.

Ông học năm nay đã trạc tuổi ngũ tuần, đang say sưa chỉ dẫn đàn cùng các cháu. Khi khúc hòa tấu Khúc ca hoa trúc kết thúc, tiếng vỗ tay vang lên, “thầy dạy nhạc của làng” mới ra tiếp khách. Như một phản xạ, tay trái pha trà, còn tay kia vẫn cầm theo cây đàn nguyệt rồi nhâm nhi chén trà ông đàn và hát một vài khúc ca vọng cổ cho khách thưởng thức.

Cuộc đời ông Học gắn với cây đàn từ nhỏ. Nhà ông có 5 cây đàn từ thời các cụ để lại. Hai cây đàn ghita mới là của hai đứa con, còn 3 chiếc đàn tranh, đàn nguyệt, đàn ghita cổ làm từ gỗ cây ngô đồng đã ngã mầu kia là của thân sinh ra ông - cụ Đặng Quang Lanh.

Trước kia cụ Lanh là chiến sĩ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, khi cụ còn sống, ông Học còn được nghe bao “chiến tích” của những chiếc đàn. Những chiếc đàn này đã có mặt ở hầu khắp các chiến trường, trong cuộc kháng chiến chống pháp, chiếc đàn đã vang lên khúc ca cổ vũ chiến sĩ đang xông pha ngoài trận địa, khi thắng lợi chiếc đàn ấy lại góp vui trong khúc ca khải hoàn... “Trước khi về nơi chín suối tài sản duy nhất ông cụ để lại đó là những cây đàn, cụ còn dặn dò đây không chỉ đơn thuần là giữ cây đàn mà là cả một pho sản phẩm văn hóa cổ mà nghìn đời để lại”, ông Học bùi ngùi nhớ lại. Ông học chơi đàn từ khi lên 7 tuổi. Hơn nửa đời người ông gắn bó với cây đàn. Cái thú tao nhã ấy chẳng dễ thấy ở những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Tiếng hát vang chiến trường

Tham gia chiến trường từ những năm 70, đơn vị thuộc Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 325A, Quân đoàn 2, ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, sớm phát hiện cái “chất âm nhạc” trong con người ông. Như có cơ duyên ông Học kể: “Trong giờ giải lao tôi lại lấy đàn ra góp vui cùng anh em, khi tấu song mấy khúc chèo cổ, khi ấy ông chỉ huy phó sư đoàn tên là Đạt khi ngồi nghe cùng anh em chiến sĩ vỗ tay rất lâu sau đó ông giới thiệu lên đơn vị, tuyển tôi vào đội văn nghệ trình diễn những ca khúc chính trị phục vụ đơn vị”. Những ca khúc từ đàn tranh, đàn tam thập lục do tay ông hòa tấu, lúc trầm bổng lúc lại du dương đến say lòng. Sau khi vào đội văn nghệ của ông đã được đi rất nhiều đơn vị trình diễn, những chuyến đi đều mang lại trong ông một tình cảm đặc biệt: “Khi tôi tấu xong khúc Khúc ca hoa trúc cả một đại đội vỗ tay, và yêu cầu tôi tấu đi tấu lại 4 đến 5 lần, khi đó mệt, nhưng được anh em ủng hộ tôi sức động đến trào nước mắt”, ông Học tâm sự.

Ông yêu âm nhạc nhưng chưa bao giờ ông nghĩ nhạc sẽ đem lại cho ông cơm áo gạo tiền. “Chơi đàn là để quên đi bao nỗi nhọc nhằn, chơi để tìm sự thư thái trong suy nghĩ, để thấy những giá trị của cuộc sống, được phục vụ bà con, anh em đồng đội là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi”, ông Học chia sẻ.

Khát vọng thoát nghèo, nhưng không phải âm nhạc. Suốt mấy chục năm qua bươn bải cuốc cày, gắng gượng mãi, vợ chồng ông cũng dựng được căn nhà ngói đơn sơ, trong ngôi nhà ấy trưng bày những cây đàn xưa kia từng ngân vang khúc ca khải hoàn, và nay nhờ người cựu binh ấy mà tiếng nhạc lại được ngân lên từ con em trong làng do chính ông vun đắp.

Khát vọng ươm mầm cho mai sau

Những tháng ngày nghỉ hè, với những trẻ em ở nông thôn vấn đề sân chơi có phần thiệt thòi hơn so với trẻ em thành phố. Giờ đây ngoài điểm vui chơi quen thuộc là cánh đông lúa, bờ sông…thì giờ đây căn nhà nhỏ của ông Học không biết từ khi nào đã trở thành một địa chỉ dạy nhạc cổ cho các em học sinh. Hằng ngày không kể giờ giấc có em nào có đam mê ông đều hướng dẫn cho cách chơi các loại nhạc cụ có sẵn trong nhà.

Năm 1980, ông là thành viên trong đội văn nghệ quân đội, đến năm 1984 xuất ngũ trở về quê hương. Khi được hỏi sao không ở lại phục vụ lâu dài trong quân ngũ ông Học nhìn những cây đàn bình thản trả lời: “Ý nghĩa sự tồn tại của mỗi con người chính là sự tự khẳng định bản thân mình. Tôi quyết định về làng mang theo những cây đàn, hi vọng một ngày nào đó có thể khôi phục được những gì thuộc về giá trị âm nhạc mà ông cha để lại”. Nhưng cuộc sống không ai biết trước được tương lai. Quanh năm tất bật với chuyện đồng áng, chẳng mấy khi có thời gian đi đâu.

Mỗi khi nghỉ ngơi, ông lại lấy đàn ra mày mò nghiên cứu ghi chép những bản nhạc cổ. Tuy cuộc sống còn chật vật chạy vạy từng bữa, nhưng ông tâm niệm: “phải làm được một điều gì đó cho âm nhạc truyền thống không chỉ hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau”. Ông luôn nung nấu ý tưởng thành lập một lớp dạy nhạc cho con em trong làng. Từ những năm 1994, ông cùng vợ làm đủ các nghề như đi đóng gạch, đốt lò… nuôi hai con học ĐH. Ngoài ra còn dành dụm gây quỹ cho lớp nhạc sau này.

Để thuyết phục các em đến với lớp học, cách mà ông Học làm cũng không giống ai, ông tình nguyện vác những cây đàn góp vui trong những dịp sinh hoạt đoàn, đội trong xóm, hay những dịp tổ chức Tết trung thu. “Sau những lần như thế có nhiều em thấy mê muốn học, hàng ngày cứ chủ nhật là các em kéo nhau đến học, công việc đúng là tất bật nhưng thấy các cháu đam mê mà tôi thấy phấn khởi”. Ông Học vui vẻ nói.

Hè đến hầu như các bậc phụ huynh lại đem con em mình đến gửi gắm “thầy giáo làng”. Tuy nhà chật hẹp nhưng lúc nào cũng chật kín người đến học nhạc và người học có đủ các thành phần nhưng chủ yếu vẫn là các cháu học sinh. Sở dĩ lớp học ngày một đông vì ông không thu một đồng “phí” nào của các em. “Nhiều phụ huynh đem quà biếu nhưng tôi quyết không nhận”. Ông Học nói chắc như đinh đóng cột. Một lần nữa cuộc nói chuyện bị đứt quảng khi nhiều phụ huynh dắt tay con em đến không chỉ nghe nhạc, học nhạc. Có lẽ họ đã tìm thấy niềm tin cả sự mong đợi ở thầy giáo làng . Cũng từ lớp học của ông, nhiều tài năng âm nhạc được phát hiện và nuôi dưỡng.

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Thị trấn Mỹ Lộc - huyện Mỹ Lộc - tỉnh Nam Định
Điện thoại: (0228) 3810724; Fax: (0228) 3810764 . 
Email: ubndmyloc@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND huyện
Designed by VNPT Nam Định

Chung nhan Tin Nhiem Mang