XÃ MỸ TÂN, HUYỆN MỸ LỘC: TỔ CHỨC LỄ HỘI TRUYỀN
THỐNG ĐỀN CÂY QUẾ
Sáng ngày 06 tháng 10 năm 2023 (tức ngày 22
tháng 8 năm Quý Mão), tại thôn Hưng Phụ Long, Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Tân
(huyện Mỹ Lộc) đã tổ chức Lễ hội truyền thống Đền Cây Quế. Tới dự có các đồng
chí đại diện lãnh đạo sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Nam Định, lãnh đạo
HU-HĐND-UBND-UBMTTQVN huyện cùng lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể
huyện và đông đảo bà con, du khách thập phương.
Đền Cây Quế là nơi thờ Đức thánh Linh Lang. Tương
truyền, Linh Lang là con của vua Lý Thái Tông (1028- 1054) và cung phi thứ chín
là Phương Nương. Hoàng tử Lang sinh ra và lớn lên ở Thị Trại ven Hồ Tây (khu vực
Thủ Lệ, Quận Ba Đình, Hà Nội ngày nay).



Khi giặc phương Bắc là Vĩnh Trinh đem quân xâm lược
bờ cõi nước ta. Hoàng tử Lang đã xin vua cha được cầm quân đánh giặc với tài
thao lược quân sự bẩm sinh, Ông đã chỉ huy quân dân đánh tan quân xâm lược, giữ
yên bờ cõi. Bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Sau khi dẹp tan quân sâm lược,
Hoàng tử Lang xin vua cha được trở về quê mẹ ở trại Thị Lệ sinh sông, được ít
lâu sau thì ông hóa Thánh. Sau khi Hoàng Lang mất, vua Lý Thái Tông ban cho làm
Phúc thần làng Thị Lệ, Nhà vua còn tôn phong mỹ tự cho thần là Linh Lang đế
vương. Với quyền năng linh thiêng, Đức thánh Linh Lang đã song hành cùng những
cư dân khai phá vùng châu thổ sông Hồng và trở thành vị thần trị thủy ở vùng đất
này. Vì thế, Di tích Quốc gia Đền Cây Quế không chỉ mang ý nghĩa tôn thờ vị
hoàng tử có công đuổi giặc ngoại xâm, mà còn mang tính tâm linh trong tiềm thức người Việt.
Nhân dân đến lễ Thánh với niềm mong ước, cầu mong mưa thuận gió hòa, dân giầu
nước mạnh.



Đền Cây Quế đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo,
hiện tọa lạc trên khu đất rộng gần 5.000m2, nằm ở xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định - Cái nôi văn hóa của Đồng
bằng Bắc bộ. Ngày 21/9/2013, Đền Cây Quế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch tặng Bằng xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Hiện nay, Đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: Khám
và tượng thờ thánh Linh Lang đại vương mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn;
chuông đồng niên hiệu Cảnh Hưng 36 (1775), bài vị thờ các vị thần mang phong
cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII)…



Tại lễ hội, đại
biểu cùng bà con nhân dân và du khách thập phương đã được chứng kiến và thực
hiện các nghi lễ: Tế chính đản, lễ dâng hương cũng như các hoạt động văn
nghệ, sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, trong đó, nổi bật và độc đáo nhất là
nghi thức “rước nước”. “Đây được xem là nghi thức lớn và uy nghi nhất. Đoàn
rước phụng nghinh bát nhang thờ đức thánh xuất phát từ Đền Cây Quế, theo trục
đường 10 về phà Tân Đệ, sau đó, xuống thuyền ra ngã ba sông Hồng và sông Đào;
tới vị trí ngã ba sông, đại diện người cao tuổi nhất của thôn lấy nước đổ vào
chóe sứ phủ vải điều, tiếp đến, đoàn rước quay trở lại đền và tiến hành nghi
thức dâng hương. Trước và sau lễ hội chính thức này, tại Đền Cây Quế cũng diễn
ra một số nghi lễ như: Tế khai hội, Tế cáo, Tế tạ.




Lễ hội truyền
thống Đền Cây Quế được tổ chức thường niên, không chỉ thể hiện ước vọng của
người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa, tri ân công đức của Linh Lang đại vương,
mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian đặc
sắc của địa phương./.
Cao Dũng
Trung tâm VH, TT&TT
huyện