image advertisement
anh tin bai
anh tin bai



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Làng chèo Đặng Xá (Nam Định)
Lượt xem: 7953
Đã từng có một thời về Nam Định, chỉ cần hỏi gánh chèo Đặng Xá (làng Đặng Xá, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định) thì già trẻ, lớn bé, gái trai ai cũng biết và có thể kể vanh vách những vở chèo họ đã từng được xem. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là hiện nay chèo Đặng Xá đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một. Và những làn điệu, những vở chèo một thời làm nức lòng bao người dân nơi đây có thể sẽ mãi mãi chỉ còn là ký ức đẹp về một thời hưng thịnh của làng chèo.  

* Dấu ấn về một thời hưng thịnh 

Từ xa xưa, những làn điệu hát chèo Đặng Xá đã không chỉ in đậm trong tâm khảm những người dân nơi đây mà nó còn đi vào những câu thơ của Nguyễn Bính: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo: thôn Đoài hát tối nay... 

 

Làng Đặng Xá được coi là cái nôi của nghệ thuật hát chèo truyền thống đất Nam Định. Từ đầu thế kỷ XX, huyện Mỹ Lộc đã có 3 làng chèo nổi danh có tiếng vang lớn khắp chốn gần xa là: làng Đặng (xã Mỹ Hưng), làng Quang Sán (xã Mỹ Hà), làng Nhân Nhuế (xã Mỹ Thuận). Trong đó, gánh chèo Đặng Xá là có tiếng hơn cả. Làng Đặng Xá lúc bấy giờ có 10 thôn thì người dân đều mang họ Đặng, chính vì vậy mà làng có tên là làng Đặng.

 

Ban đầu khi mới thành lập, chèo Đặng Xá được gọi là Gánh chèo làng Đặng. Với số lượng thành viên đông đảo, gánh chèo đã mang những làn điệu chèo cổ đi khắp các thôn, xã trong và ngoài tỉnh để biểu diễn phục vụ nhân dân, tạo khí thế lao động sản xuất hăng say ở mọi nơi. Năm 1954 gánh chèo Đặng Xá đổi tên thành Đội văn nghệ làng Đặng Xá. Đến năm 1959 được đổi tên thành Đội văn nghệ Thượng Hưng và năm 1977 đổi tên thành Đội văn nghệ Bắc Hưng của hợp tác xã Bắc Hưng (bao gồm 14 xóm của cả làng Đặng Xá). Vẫn những thế hệ nghệ nhân đam mê và tâm huyết với nghề, Đội văn nghệ đã mang tiếng trống chèo và những làn điệu chèo say đắm, thiết tha đi phục vụ người dân trong tỉnh từ huyện, xã cho tới thôn, xóm. Trong các hoạt động như chống úng của nông dân, hay hội diễn văn nghệ, lễ hội...đều không bao giờ thiếu vắng âm thanh rộn ràng của những làn điệu chèo.

 

Trong giai đoạn hoạt động mạnh mẽ và sôi nổi nhất, Đội văn nghệ làng Đặng Xá đã đạt được rất nhiều thành tích lớn cả trong và ngoài tỉnh. Năm 1961, Đội chèo Đặng đã đạt giải nhất hội thi diễn chèo toàn tỉnh với vở “Bụi tre gai” và “Sao đổi ngôi”. Trong cuộc thi lần đó, giáo sư Hà Văn Cầu (nguyên Giám đốc nhà hát chèo Việt Nam), một trong những thành viên ban giám khảo đã hết lời khen ngợi những sáng tạo và sự cố gắng hết mình của làng chèo Đặng Xá trong việc giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Năm 1963 một lần nữa Đội chèo làng Đặng Xá lại đạt giải nhất trong cuộc thi diễn chèo toàn quân khu 3 với vở “Nắm cỏ trâu”. Cũng chính năm đó, vở chèo “Nắm cỏ trâu” đã được phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam khiến người dân Đặng Xá nói riêng và người dân cả tỉnh Nam Định nói chung hết sức vui mừng và tự hào. Năm 1982 Đội chèo Đặng Xá đạt thêm giải nhất tại hội diễn chèo Bình Lục (Hà Nam). Ngoài ra, Đội chèo còn đoạt được hàng chục giải thưởng lớn nhỏ khác trong và ngoài tỉnh.

 

Tại thời điểm lúc bấy giờ, Đội hát chèo Đặng Xá có hơn 30 người, hoạt động hết sức sôi nổi. Ban ngày đội chèo đi khắp các thôn, xóm diễn chèo cho người dân xem. Những vở chèo có âm hưởng da diết, với nội dung động viên tinh thần bà con hăng say lao động, sản xuất và chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Buổi tối, các thành viên trong đội chèo lại tập những vở chèo mới và sáng tác lời cho các làn điệu xưa. Ngoài phục vụ nhân dân trong tỉnh, đội văn nghệ còn đi phục vụ các nhân dân các tỉnh lân cận như Thái bình, Hoà Bình...

 

Bên cạnh hàng chục vở hát chèo cổ như: Trương Viên, Quan Âm Thị Kính, Lưu bình dương lễ, Trần quốc toản ra quân...còn có rất nhiều các vở chèo mới được ra đời trong các thời kỳ kháng chiến để phục vụ nhân dân như: Nắm cỏ trâu, Trên nương dâu, Nồi cơm ai nấu, Song tấu, Giôn-sơn đau đầu, Bão biển, Đường về trận địa, Tiễn anh lên đường, Chống lầy...Những vở chèo mới được cải biên lời dựa trên làn điệu cũ sao cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước từng thời kỳ để động viên tinh thần người dân. Những lúc nông nhàn hay mỗi khi trong làng có lễ hội, người dân lại đến chật cứng miếu làng để xem gánh chèo biểu diễn. Trong làng ngoài xóm người già, người trẻ ai cũng có thể hát được vài câu chèo thậm chí là cả một trích đoạn chèo. 

 

* Đi đâu, về đâu một làng chèo cổ?

 

Từ năm 1980, Đội hát chèo làng Đặng Xá bắt đầu hoạt động chững lại và cầm chừng. Sau đó, Đội chèo dần tan rã dần, các hoạt động biểu diễn không còn nhiều và sôi nổi như trước. Và cho đến hiện nay thì ở làng Đặng Xá chỉ có xóm 2 là còn Đội chèo có tên là Tổ hát chèo chi hội người cao tuổi xóm Thượng. Đây là tổ chèo thuộc Tổ văn nghệ người cao tuổi xóm Thượng. 

 

Tổ hát chèo Đặng Xá giờ chỉ còn 11 người gồm 8 nữ và 3 nam. Đây đều là những người đã lớn tuổi. Trong đó, người đứng đầu tổ chèo cũng là người nhiều tuổi nhất là ông Đặng Mạnh Yêu (79 tuổi). Bắt đầu theo nghiệp cha ông từ năm 15 tuổi, ông Yêu đã có hơn 60 năm mang tiếng đàn và những làn điệu chèo đến với người dân trong và ngoài tỉnh. Ông chia sẻ: Chèo làng Đặng đã có giai đoạn phát triển rất rực rỡ và tạo nên tiếng vang lớn trong và ngoài vùng nhưng đáng buồn là bây giờ chẳng còn mấy ai muốn theo cái nghiệp hát chèo này nữa. Thị hiếu của công chúng thay đổi, hoạt động của đội chèo không còn được quan tâm đã dẫn đến việc Đội văn nghệ chèo Đặng Xá trước đây không thể tiếp tục hoạt động và phải giải tán. Ông Yêu cũng bộc bạch thêm: Chúng tôi luôn tâm niệm theo nghề chỉ vì lòng đam mê và một chữ tâm. Chúng tôi không muốn cái nghề mà ông cha để lại đến đời mình lại bị mai một. Cũng theo ông Yêu, tổ chèo bây giờ gặp rất nhiều khó khăn, người trong đội chèo vì hoàn cảnh gia đình mà phải rời bỏ gánh chèo đi làm ăn, chỉ còn lại ít người vì quá tâm huyết với nghề và không thể từ bỏ nghề ông cha để lại mà vẫn ở lại sống cùng với nghề. Mỗi năm gánh chèo cũng chỉ đi diễn 2, 3 lần ở các hội nghị của mặt trận tổ quốc, cựu chiến binh, đoàn thanh niên hoặc hội phụ nữ trong xã... 

 

Hiện nay, việc truyền nghề và đào tạo lớp diễn viên kế cận cho nghề này là điều không phải dễ. Bởi không phải ai cũng có lòng đam mê và tâm huyết với nghề để có thể theo và giữ gìn. Bên cạnh đó, làng chèo cũng rất cần tới sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với bộ môn nghệ thuật này, bởi không có những chính sách đãi ngộ hợp lý và những điều kiện thuận lợi giúp nghề phát triển thì rất khó để lớp diễn viên trẻ có thể dũng cảm theo nghề và hi sinh vì nghề. Thế hệ diễn viên trẻ nếu không được đào tạo kịp thời thì chèo Đặng Xá trong một tương lai không xa sẽ có nguy cơ dần bị mai một dần và lụi tàn. 

 

Với lòng đam mê, yêu nghề, yêu tiếng trống và những làn điệu chèo mượt mà, thiết tha của một bộ môn nghệ thuật giàu truyền thống, những nghệ nhân như ông Yêu và những người trong tổ chèo Đặng Xá đang từng ngày cố gắng bám nghề, giữ nghề với mong muốn một làng chèo đã có lịch sử phát triển lâu dài có thể tồn tại và giữ được tiếng vang lớn trong lòng người nghe. Việc làm này không chỉ là trách nhiệm với cha ông mà còn là trách nhiệm với cả dân tộc trong việc giữ gìn, duy trì và phát triển một môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc./.

 

                                                                                                                       Thùy Dung

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Thị trấn Mỹ Lộc - huyện Mỹ Lộc - tỉnh Nam Định
Điện thoại: (0228) 3810724; Fax: (0228) 3810764 . 
Email: ubndmyloc@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND huyện
Designed by VNPT Nam Định

Chung nhan Tin Nhiem Mang