image advertisement
anh tin bai
anh tin bai



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
VỀ MỸ TÂN XEM “LÃO NÔNG TRI ĐIỀN” TRỒNG HOA CÚC, CHO THU NHẬP “KHỦNG”
Lượt xem: 882

Nhằm đáp ứng thị hiếu của người dân, nhiều mô hình trồng hoa đã hình thành, vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho nông dân, vừa nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong những dịp lễ, tết, đối với người dân Việt Nam thì hoa cúc không hề xa lạ, nó còn là loài hoa rất thân thuộc và được ưa chuộng. Nắm bắt nhu cầu đó, bác nông dân Đặng Văn Phương, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Hồng Hà, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc đã thành công khi triển khai mô hình trồng hoa cúc trên đất vườn nhà đem lại thu nhập cao.

anh tin bai

Bác Đặng Văn Phương bên vườn hoa cúc Kim Cương

Theo sự giới thiệu của đồng chí Trần Trọng Chung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tân, tôi đến thăm hoa viên của gia đình bác Đặng Văn Phương vào một ngày mùa đông đẹp trời, khu vườn ẩn hiện, rực rỡ sắc màu, như khoác lên mình tấm xiêm y lộng lẫy, diễm lệ, với những gam màu tươi sáng, đường nét mềm mại, uyển chuyển, tựa hồ bức tranh thủy mặc, sơn thủy hữu tình. Thấp thoáng bóng ai đang đưa tay nâng niu, chăm sóc từng bông hoa, toát lên dáng vẻ “tiên phong đạo cốt” của bậc hiền nhân. Bất giác, tôi thấy bác chủ trang trại vẫy tay chào đón hai vị khách, nụ cười tươi tắn, hào sảng khiến lòng tôi tràn trề hạnh phúc, phấn trấn…

Không biết từ bao giờ, hoa cúc trở thành thú chơi tao nhã của các bậc tao nhân mặc khách. Cúc được xếp vào hàng mười đại danh hoa, tứ quân tử (Mai - Tùng - Cúc -Trúc), tứ đại thiết hoa (Cúc - Hồng - Phăng - Dơn). Nói đến hoa cúc là người ta thường nghĩ đến mùa thu, hoa cúc và mùa thu dường như có sự giao tình lạ kỳ. Cúc biểu lộ sự khoan dung, khoáng đạt, sự chung tình da diết, ý niệm trung trinh... Cúc héo tàn nhưng chẳng lả thân, một loài hoa "diệp bất ly thân", lá không rời khỏi cành dù tàn khô héo rũ, "Cúc ngạo hàn sương", ngạo nghễ, hiên ngang trước sương sa, tuyết lạnh, vẫn trổ hoa, vươn mình đứng thẳng giữa phong trần:

 

"Sương lạc tuỵ bách thảo

Thời cúc độc nghiên hoa"

                                                                (Vi Ứng Vật đời Tống, Trung Quốc)

Tạm dịch:

Sương rơi cỏ xác xơ tàn

Chỉ mình cúc nở hoa vàng thắm tươi

Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du cũng phải thốt lên:

"Sen tàn, cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân"

                                                                 (Nguyễn Du, Truyện kiều)

Hoa cúc, nhất là cúc vàng (Hoàng Cúc) được người đời yêu quý, có công dụng chữa bệnh trong Đông y dùng làm thuốc và ướp trà, pha rượu rất thơm ngon.

Khu trang trại gia đình bác rộng 1,5 ha chuyên canh tác hoa cúc. Bác cho biết: Hồi trẻ, bác đã thích làm nông nghiệp, trồng lúa, rau mùa, cây ăn quả, chăn nuôi gà, lợn, thợ mộc… Mặc dù vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp không cao, thu nhập thấp, chưa đủ nuôi sống gia đình. Nhiều đêm trăn trở, suy tư tìm ra phương thức làm ăn mới. Nhận thấy mảnh đất Hồng Hà được sông Hồng bồi đắp phù sa phì nhiêu, màu mỡ, từ năm 1990, người nông dân Đặng Văn Phương đã mạnh dạn đưa cây hoa về trồng thử nghiệm. Không ngờ từ quyết định đó, đến nay, cây hoa trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, được người dân phát triển thành nghề chính, mang lại giá trị kinh tế cao.

anh tin bai

Khu vườn trồng chậu cúc Đại Đóa

Ban đầu, việc trồng hoa gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với đức tính siêng năng, cần mẫn, “khiết nhi bất xả”, vừa làm, vừa mày mò học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, cuối cùng, bác đã tích lũy cho mình vốn kiến thức phong phú về cây hoa để trồng, chăm sóc phát triển tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Trước đây, bác trồng các giống hoa violet, lay ơn, hồng, cúc, đồng tiền, thì nay hoa cúc được trồng đại trà, kết hợp thêm ly, dơn, một số loại cây cảnh như: mộc, sanh, phong lan…

Công đoạn trồng hoa không quá vất vả, nhưng cần sự tỷ mỷ, công phu, từ khâu làm đất, nhổ cỏ, lên luống, bón lót phân chuồng, phân hữu cơ, đỗ tương ủ mục với chế phẩm vi sinh, vôi bột, phân lân; thường xuyên theo dõi, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là bệnh thán thư, vàng lá, cháy lá do nấm, hay các loại sâu phá hoại như bọ cánh cứng, sâu vẽ bùa, sâu xanh, rệp, rầy lưng trắng... Mô hình trồng hoa cúc này sử dụng điện để thắp sáng nhằm kích thích quá trình sinh trưởng của hoa, che chắn bằng ni lông hoặc bạt để chống giá rét, sương muối, mưa lớn, đầu tư nhà lạnh để bảo quản hoa tươi lâu hơn, có hệ thống máy bơm, máy phun thuốc trừ sâu nhằm giảm thiểu sức lao động…

Bác chia s: “Trồng hoa cúc tương đối nhọc nhằn, đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật và bề dày kinh nghiệm. Hoa cúc sinh trưởng lý tưởng ở nền nhiệt 280 đến 320. Do đó, người trồng hoa ở miền Hồng Hà chỉ trồng cúc vào mùa thu, thời điểm bắt đầu từ tháng 8 (âm lịch), thu hoạch đến rằm tháng tư (âm lịch) là kết thúc. Cúc chờ lạnh đến mới bung nhụy. Ở xứ nhiệt đới gió mùa ẩm như Việt Nam, hoa cỏ nở một cách tạo tác vô thời, chỉ riêng hoa cúc nở đúng tuần tiết. Hiểu đặc tính của cây, căn thời gian trồng, chọn thời điểm cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán với mong muốn giá hoa sẽ cao hơn, nhờ đó thu nhập cũng được nâng lên”.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên khi trồng hoa cúc khá thích nghi với điều kiện và thổ nhưỡng nơi đây. Cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, đạt chất lượng cao về thẩm mỹ, độ cứng cáp, màu sắc, không thua kém gì hoa Đà Lạt. Kỹ thuật trồng theo phương pháp xen canh gối vụ, để đất được nghỉ ngơi, cải tạo… Do đất mới, tơi xốp thuận lợi trong canh tác các loại hoa, chỉ cần chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn, hoa đã đạt được kích cỡ theo yêu cầu của thị trường. Chơi hoa thay đổi theo thị hiếu của con người. Vì thế, người nông dân phải “thức thời vụ giả vi tuấn kiệt”, hiểu, nắm bắt xu thế thời cuộc, sở thích người chơi, từ đó đưa giống hoa mới, độc, lạ để đáp ứng nhu cầu thị trường, tận dụng tối đa lợi thế của mạng xã hội internet để giới thiệu, quảng bá, tiếp thị nông sản đến người tiêu dùng. Có như vậy, nghề trồng hoa nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung mới thích ứng, tồn tại trong thời buổi kinh tế thị trường đầy biến động.

Là người đầu tiên trồng cúc trên địa bàn, đồng thời có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc và nhân giống hoa cúc. Theo bác Phương, hoa cúc có hàng nghìn loài khác nhau. Hoa cúc có mấy màu chính là vàng (hoàng), trắng (bạch), tím (tử) và hồng. Lại còn có những thứ tạp sắc, cánh trước một màu, đằng sau mang một màu (Uyên Ương Cúc). Về sau, do lai tạo có thêm nhiều giống mới như: Đại Đóa, Râu Rồng, Bách Nhật… Hoàng Cúc tức cúc vàng có đến 34 loại, vài giống quý có nhiều tên đẹp như: Kim Cương, Kim Trân, Dạ Quang Châu, Lạc Hà Hoàng…

Hiện nay, trong khu vườn của bác trồng giống cúc Kim Cương cho thu nhập cao và dễ bán hơn so với các loại cúc khác trên thị trường, bởi đây là loại hoa đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc khắt khe, tốn nhiều công sức, ưu điểm nổi bật của cúc kim cương là thân cứng; mày dày; cánh hoa cứng, dài, bóng; bông hoa to, đẹp, màu sắc rực rỡ. Ngoài sản xuất hoa bông, bác còn kinh doanh hoa giống cho các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng/vụ, trung bình 2 vụ hoa/năm. Với giá bông tại thời điểm bán cho thương lái đến nhà mua sỉ từ 4.000 – 5.000 đồng/cây, bán lẻ 7.000 đồng/cây, trừ chi phí cho thu lãi từ 20-25 triệu đồng/sào/vụ, trồng cúc chậu cho thu nhập cao hơn từ 30-50 triệu đồng/sào/vụ, so với trồng rau, lúa, thì trồng hoa cúc lãi khá nhiều, tính ra trung bình một năm trang trại gia đình bác xuất bán khoảng 170 vạn cây hoa, mang lại lợi nhuận từ 900 triệu đến 1,2 tỷ đồng/năm. Để tiện công việc chăm sóc hoa, gia đình bác thuê thêm 03 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, trang trại của gia đình bác luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ngành, các cấp và Hội Nông dân. Bác được Hội Nông dân xã cử tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, kiến thức về liên kết chuỗi, chuyển đổi số, sản xuất nông sản an toàn, đào tạo nghề…

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết bền vững, bác đứng ra vận động 14 hộ trồng hoa trong thôn Hồng Hà thành lập Tổ hợp tác trồng hoa và cây cảnh gắn với mô hình Tổ hội nông dân nghề nghiệp do bác phụ trách, tạo sự gắn kết giữa các thành viên, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình canh tác, ươm trồng và tiêu thụ cây hoa. Tổ hợp tác đã được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh số tiền 350 triệu đồng, giúp tổ viên có thêm điều kiện mở rộng đầu tư sản xuất. Trên cương vị Chi hội trưởng nông dân, bác luôn là người cán bộ Hội mẫu mực, tấm gương về sự nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân ở cơ sở, có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng nông thôn mới, được hội viên nông dân tin yêu, quý trọng, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, các hộ trồng hoa về kinh nghiệm, cây giống, vật tư nông nghiệp, tạo điều kiện để hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Nhờ những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, bác Đặng Văn Phương đã được các ngành, các cấp biểu dương, khen thưởng, đặc biệt năm 2023, bác vinh dự được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Nam Định tặng Bằng khen trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Mô hình trồng hoa cúc của gia đình bác đã trở thành điểm sáng, có sức lan tỏa sâu rộng, được hội viên, nông dân và du khách thập phương tham quan, học tập. Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, hoa cúc lại được thương lái tấp nập đổ về thu mua, vùng quê Hồng Hà rực rỡ cảnh sắc “đào hồng liễu lục”, mơn mởn, tươi vui, căng tràn sức sống. Kết thúc bài viết này, tôi trân trọng dành tặng bác chủ trang trại bài thơ:

SẮC XUÂN

“Thiều hoa sáng tỏ lưng trời

Bảng lảng yên cảnh, non phơi bóng tà

Xa trông một dải ánh vàng

Rung rinh nhành cúc mơ màng cùng ai

Dáng người nhác thấy khoan thai

Ung dung viên mãn tựa là hiền nhân

Tuế nguyệt trải mấy gian truân

Bể dâu trăm nỗi cơ hàn dựng xây

Ngát hương ngọn cỏ, lá cây

Heo may vừa dứt, lây phây mưa phùn

Mây sa, én lượn trập trùng

Đông quân chợt đến hòa cùng tiếng ca!”

 

Trần Thế Hiển

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc

Cơ quan chủ quản: UBND huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định
Địa chỉ: Thị trấn Mỹ Lộc - huyện Mỹ Lộc - tỉnh Nam Định
Điện thoại: (0228) 3810724; Fax: (0228) 3810764 . 
Email: ubndmyloc@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND huyện
Designed by VNPT Nam Định

Chung nhan Tin Nhiem Mang